Các chỉ tiêu của bia thủ công
Trước khi nếm thử một ly bia thủ công, bạn hãy trang bị cho mình một vài thông tin cơ bản để tránh rơi vào tình trạng “mông lung như một trò đùa” trước thế giới bia craft rộng lớn của Việt Nam. Các chỉ số bia thủ công đó là:
Chỉ số màu bia
SRM (Standard Reference Method – Phương pháp tiêu chuẩn) chính là chỉ số màu của một loại bia nhất định trong phạm vi từ 1 – 40 thang bậc màu bia. Thông thường, bia được ủ men đáy (lager) sẽ có màu nhạt (Holgate Norton, Pilsner), trong khi bia được ủ men nổi (ale) thường sẽ có màu đậm hơn (Holgate Hopinator). Riêng nếu sử dụng lúa mì Hoa Kỳ thì bia thường chỉ có chỉ số SRM rơi vào khoảng 5 bậc.
Thang đo độ đắng
IBU (International Bitterness Unit – Đơn vị đo độ đắng quốc tế) đo độ đắng của bia từ 0 – 100 bậc. Một loại bia đắng nhiều hay ít phụ thuộc vào lượng đường và carbonat còn dư, và nếu nhiệt độ càng lạnh trong quá trình làm bia sẽ càng làm bia bớt đắng.
Độ cồn
ABV (Alcohol by Volume – độ cồn) của bia thủ công thường rơi vào khoảng từ 3% – 20%. Thông thường, các nhà làm bia thủ công sẽ dễ dàng sản xuất ra các loại bia có nồng độ cồn mạnh hơn.
Chỉ số trọng lực
Trọng lực của bia được quyết định bởi lượng đường còn dư trong quá trình ủ bia, và ảnh hưởng lớn tới hương vị của một loại bia nhất định. Trọng lực bia nói chung rơi vào 1.000 đơn vị (nếu không có lượng đường dư).
Bia thủ công đã được lên men hoàn chỉnh sẽ có trọng lực trung bình chuẩn là 1.014 đơn vị, trong khi ở bia chưa lên men là 1.060 đơn vị. Chỉ số trọng lực càng cao chứng tỏ lượng đường còn dư càng nhiều trong sản phẩm bia được đưa ra thị trường.